Đề phòng ngộ độc thuốc giảm đau-hạ sốt PARACETAMOL
Khi dùng liều cao và lâu dài
Paracetamol giống như nhiều loại thuốc khác, sau khi uống sẽ được hấp thu vào máu để cho tác dụng điều trị là giảm đau hạ sốt, sau đó được chuyển hóa tại gan để thải trừ ra khỏi cơ thể. Gan chuyển hóa Paracetamol thành nhiều chất khác nhau không còn hoạt tính, dễ tan trong nước tiểu và được thải ra ngoài. Một trong những chất chuyển hóa của Paracetamol có tên N-acetyl benzoquinonimin (NABQI), đây là chất rất độc, có thể gây hoại tử gan. Chính vì vậy gan phải dùng chất sinh học do nó tạo ra có tên là glutathion để chuyển hóa tiếp chất độc này thành chất cuối cùng không độc và được thải ra ngoài. Trong trường hợp dùng quá nhiều Paracetamol (người lớn dùng 6 – 10 gram trong 24 giờ, nếu yếu gan thì khoảng 3 – 4 gram; còn trẻ con uống 150 mg/ kg/ ngày và nếu có bệnh lý về gan thì khoảng 100 mg/ kg/ngày ), gan sẽ không đủ glutathion để chuyển hóa NABQI sinh ra dẫn đến hoại tử tế bào gan.
Đối với trẻ bị ngộ độc Paracetamol, nguyên nhân thông thường là do các bậc phụ huynh nôn nóng, tự ý cho trẻ dùng liều quá cao hoặc dùng nhiều thuốc hạ sốt với tên biệt dược khác nhau nhưng thực chất chứa cùng dược chất Paracetamol, đưa đến kết quả dùng quá liều Paracetamol. Nhưng cũng có trường hợp dùng đúng liều mà trẻ vẫn bị ngộ độc là do không biết trẻ đã có thể trạng yếu, chức năng gan yếu (trường hợp này phải giảm liều). Dấu hiệu cho thấy trẻ dùng quá liều Paracetamol là trong vòng 24 giờ sau khi uống trẻ bị đau bụng, nôn ói, xanh tái, ngủ lịm, li bì, cần phải đưa gấp đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu ngộ độc.
Paracetamol làm gan bị nhiễm độc khi dùng liều cao và lâu dài
Các lưu ý khi dùng Paracetamol:
- Không được dùng Paracetamol để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em (ở người lớn không quá 10 ngày), trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
- Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10 – 15 mg/ kg cân nặng, ngày uống 3 – 4 lần, và liều tối đa cho trẻ là không quá 60 mg/ kg/ ngày. Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500 – 1000 mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 6 gram trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém.
- Người thường xuyên uống rượu không nên dùng bừa bãi Paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc gọi là “để ngừa nhức đầu, để uống rượu nhiều không say”(!). Paracetamol và rượu đều hại gan, sự kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.
Một phương cách phòng ngừa ngộ độc Paracetamol gây hại gan:
Tình trạng ngộ độc do quá liều Paracetamol đã trở nên phổ biến khiến các nhà dược học nghĩ đến phương cách bào chế một dược phẩm có thể làm giảm thiểu tính độc của Paracetamol đối với gan. Một phương cách hữu hiệu đã được tìm ra xuất phát từ biện pháp cấp cứu ngộ độc khi dùng quá liều Paracetamol. Khi ngộ độc do quá liều Paracetamol, hai thuốc giải độc được dùng là Acetylcystein và Methionin (dùng dạng tiêm và cả dạng uống). Riêng Methionin với bản chất là một acid amin thiết yếu được dùng để giải độc Paracetamol vì nó là tiền chất của Glutathion, khi vào trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành Glutathion là chất cần thiết giúp chuyển hóa NABQI (một chất chuyển hóa của Paracetamolm rất độc cho gan) thành chất không độc như đã trình bày ở trên. Methionin không chỉ được dùng làm thuốc giải độc mà còn được nghiên cứu dùng phối hợp với Paracetamol tạo ra dược phẩm được sử dụng với mục đích phòng ngừa ngộ độc do quá liều Paracetamol. Trong thực tế, dược phẩm phối hợp Paracetamol và Methionin được gọi tên chung là Co-methiamol đã được sản xuất và lưu hành trên thị trường dược phẩm thế giới (theo Martindal, The Extra Pharmacopoeia, 35th ed., 2005, trang 77). Một Co-methiamol được sản xuất ở nước ngoài với tên biệt dược là Paradote chứa 500 mg Paracetamol và 100 mg Methionin cho mỗi viên, đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa độc tính của Paracetamol trên gan. Hiện nay ở nước ta đã có chế phẩm loại Co-methiamol.
Tóm lại, mặc dù là thuốc an toàn so với các thuốc giảm đau - hạ sốt khác nhưng ta phải luôn lưu ý đến độc tính của Paracetamol đối với gan. Hãy thực hiện các khuyến cáo khi sử dụng thuốc này để việc sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y Dược TP. HCM
Xem tiếp
-
Vitamin E thuộc nhóm vitamin tan trong dầu gồm 8 dạng khác nhau: 4 tocopherol và 4 tocotrienol với 4 đồng phân alpha, beta, gamma và delta, mỗi dạng có hoạt động sinh học hơi khác nhau. Nhưng alpha là dạng chính tồn tại trong cơ thể, có tác dụng cao nhất.
-
Men vi sinh hay probiotics là một khái niệm để chỉ các vi sinh vật có lợi cho sức khỏe con người. Thuật ngữ probiotics được Parker đề nghị sử dụng từ những năm 1974 để chỉ “những vi sinh vật và những chất làm cân bằng hệ vi sinh vật ruột”, bảo vệ đường ruột, trợ giúp tiêu hóa và trị được bệnh tiêu chảy do loạn khuẩn
-
Do nhiễm vi khuẩn, virus ở đường tiêu hóa khi ăn thức ăn lạ và khó tiêu, sau khi ăn tiệc, uống sữa, thức ăn công nghiệp có chứa chất bảo quản
-
Người ta vẫn nghĩ là chất chống lão hóa chỉ dùng cho người trung niên trở lên. Nhưng ít ai biết rằng, chất chống lão hóa có tác dụng tốt hơn nhiều nếu sử dụng liên tục từ khi còn rất trẻ.
-
Khi bị táo bón, một số người có thói quen dùng thuốc ngay mà chưa điều chỉnh chế độ ăn hay thói quen sinh hoạt hằng ngày. Điều này cần được thay đổi ngay, vì táo bón có thể điều trị dễ dàng chỉ bằng cách ăn nhiều chất xơ và tập vận động hằng ngày.
-
Với thời tiết nắng nóng oi bức như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa mà rối loạn tiêu hóa (RLTH) là một điển hình. Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ trong độ tuổi hiếu động và thích ăn uống tùy tiện.
-
Tết đến, đi đâu cũng gặp tiệc. Làm thế nào để phòng tránh các triệu chứng khó chịu về Rối Loạn Tiêu Hóa?
-
BS cho biết ý kiến về xu hướng sử dụng dược liệu thiên nhiên dùng làm thuốc phòng và chữa bệnh hiện nay nói chung và chứng táo bón nói riêng.